Vào 13:00 ngày 26 tháng 4 năm 2021 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kết hợp với tổ chức USAID của Mỹ tổ chức buổi tọa đàm về Áp dụng truy xuất nguồn gốc và đăng ký mã số mã vạch, với mục đích có thể giúp cho các doanh nghiệp tham dự có thể tiếp cận gần hơn với chuỗi cung ứng toàn cầu một cách bền vững.
Phát biểu khai mạc buổi hội thảo gồm có đại diện từ Cục Phát triển Doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư – bà Nguyễn Thị Bích Thủy, và đại diện Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME - USAID). Bà Nguyễn Thị Bích Thủy mong rằng dù buổi tọa đàm diễn ra với quy mô chỉ 25 doanh nghiệp tham dự, nhưng đây có thể là cơ hội để hỗ trợ doanh nghiệp một cách trực tiếp nhất, lắng nghe và trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp đã sẵn sàng và nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ Blockchain và việc truy xuất nguồn gốc.
Mục đích của buổi tọa đàm là để tìm ra và lựa chọn được doanh nghiệp SME để thí điểm hoạt động nâng cao thương hiệu, thông qua ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm và nâng cao cơ hội tham nhập, mở rộng thị trường.
1. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng truy xuất nguồn gốc và mã số mã vạch.
2. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng công nghệ Blockchain để truy xuất nguồn gốc.
Ở phần đầu của buổi tọa đàm, ông Bùi Bá Chính, Giám đốc của Trung tâm Mã số Mã Vạch quốc gia đã giải thích tầm quan trọng của việc truy xuất mã số mã vạch với rất nhiều ứng dụng khác nhau trong kinh doanh. Bao trùm lên nhiều lĩnh vực: Y tế, Bán lẻ, May mặc, Sản phẩm tiêu dùng đóng gói, Thực phẩm tươi sống, Kho vận, Thương mại điện tử, Dịch vụ ăn uống, Công nghiệp,… Ngoài việc định danh và thống kê sản phẩm và giúp cho doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, gần đây nhất có một ví dụ về truy xuất nguồn gốc và mã số mã vạch dễ thấy đó là ứng dụng giải cứu đào Sơn La, giúp cho người tiêu dùng dễ dàng hiểu được nguồn gốc của thực phẩm mình lựa chọn, ngoài ra còn giúp cho hoạt động giải cứu đào với người nông dân được diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn. Hiện tại những hoạt động như vậy tạo nên tính chuẩn hóa cho cổng thông tin quốc gia, ngày một tiện lợi, minh bạch về thông tin hơn cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Tiếp đến có ông Nguyễn Tuấn Hồng Phúc, hiện là thành viên điều hành phòng Chiến lược khách hàng và Chuỗi cung ứng của KPMG Việt Nam phát biểu sâu hơn về công nghệ blockchain cũng như các giai đoạn để thí điểm hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai ứng dụng truy xuất nguồn gốc. Vai trò của dự án là để tận dụng kiến thức chuyên môn về quản lý vận hành và kinh doanh để chuẩn hóa quy trình phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp, phối hợp cùng các nhà cung cấp công nghệ để cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc cho các doanh nghiệp SME.
Buổi tọa đàm đã được khép lại bằng phần Q&A trực tiếp giữa các doanh nghiệp tham dự và các diễn giả cũng như đại diện từ Cục Phát triển Doanh nghiệp và Dự án USAID. Qua đó có thể thấy rõ hơn những khó khăn hiện tại doanh nghiệp đang gặp phải, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 đã liên tục diễn ra trên một năm với nhiều biến động khó lường.